Lãnh đạo Đông Niệp Lại Văn Quang

Ngày 29 tháng 10, bọn Văn Quang, Nhâm Hóa Bang, Phạm Nhữ Tăng soái quân Đông Niệp vượt Hoàng Hà (lúc này hạ du vẫn chưa đổi dòng), tiến vào tây nam bộ Sơn Đông, muốn tấn công đê Vận Hà, nhằm chiêu mộ nhân lực, vật lực ở khu vực phía đông Vận Hà. Nhưng nghĩa quân đi lại trong khoảng từ Vận Thành ở phía bắc, đến các nơi Phong (huyện), Bái (huyện) thuộc Giang Tô ở phía nam, cả tháng trời không có kết quả; vào đầu tháng 12 đành quay về Hà Nam, ngày 22 đến được đông bắc bộ Hồ Bắc.

Bấy giờ Văn Quang trù hoạch sẽ đưa đại quân đi Tứ Xuyên, để lại 1 cánh quân giữ Hồ Bắc, 1 cánh khác đánh Kinh Tử Quan ở giao giới Hà Nam, Thiểm Tây để nối lại liên lạc với quân Tây Niệp, đồng thời liên kết với nghĩa quân dân tộc Hồi của Vân Nam, dân tộc Miêu của Quý Châu cùng kháng Thanh. Nhưng Lý Hồng Chương lên thay Tằng Quốc Phiên, vẫn duy trì phương lược vây diệt, chỉ thay đổi biện pháp:, sẵn sàng bỏ trống một khu vực hiểm yếu, dẫn dụ nghĩa quân vào đó mà tiêu diệt. Nhờ vậy, Hồng Chương đã khắc phục được khiếm khuyết phân tán binh lực của quan quân, khắc chế được khả năng lưu động của nghĩa quân.

Ngày 11 tháng giêng (1867, vẫn còn trong năm Âm lịch), quân Đông Niệp đẩy lui đề đốc Quách Tùng LâmLa Gia Tập thuộc Chung Tường, Hồ Bắc, tiêu diệt 4000 quan quân; ngày 26, giết được mấy trăm quân Hoài của tổng binh Trương Thụ SanDương Gia Hà thuộc Đức An. Sau đó, nghĩa quân đi qua Kinh Sơn, An Lục, Tương Dương, Tảo Dương rồi quay lại An Lục, tụ họp ở phụ cận Doãn Gia Hà (nay là Vĩnh Long Hà) thuộc Kinh Sơn. Ngày 19 tháng 2 năm thứ 6 (1867), họ đẩy lui quân Hoài của Lưu Minh Truyện, giết chết bọn tổng binh Đường Điện Khôi, ký danh tổng binh Điền Lý An, phó tướng Ngô Duy Chương cùng hơn 600 quân, còn có mấy trăm người bị thương. Không ngờ quân Tương của đề đốc Bào Siêu tiến đánh dữ dội ở phía sau, Văn Quang cổ vũ sĩ tốt kháng địch, nhưng quan quân 2 mặt giáp công, dùng Phách sơn pháo luân phiên oanh kích, bắn chết phần lớn kỵ binh Niệp. Đến hoàng hôn, nghĩa quân đại bại, bị giết hơn vạn, bị bắt hơn 8000 người, tổn thất nặng nề [3]. Ông soái nghĩa quân ra sức đột vây, chạy sang Hà Nam ở phía bắc, men theo giao giới Ngạc – Dự ghé qua phủ Tín Dương, vào thượng tuần tháng 3 trở lại Hồ Bắc, từ Hoàng An chạy đi Ma Thành, Kỳ Thủy, Quảng Tế (nay là Vũ Huyệt), Hoàng Mai.

Ngày 23 tháng 3, nghĩa quân tiêu diệt 8000 quân Tương ở Lục Thần Cảng thuộc Kỳ Thủy, chém bọn ký danh Bố chính sứ Bành Dục Quất cùng đề đốc La Triêu Vân, tổng binh Bành Quang Hữu hơn 30 quan tướng. Sau đó, Văn Quang đưa quân nhắm hướng tây quay lại 1 dải Cữu Khẩu (nay là trấn Cựu Khẩu) thuộc Chung Tường, Doãn Gia Hà thuộc Kinh Sơn. Vì bị quan quân ngăn trở, ông không thể vượt Hán Thủy để vào Xuyên, đành trở lại Tảo Dương, tiến vào Hà Nam. Gặp phải quân Hoài chặn đánh, vào thượng tuần tháng 5, nghĩa quân lại nhắm đến Hồ Bắc, nhưng bị Lưu Minh Truyện đuổi kịp ở bờ đông Hán Thủy, không thể vượt sông. Văn Quang đành vượt qua Kinh Sơn, Chung Tường, Tảo Dương mà lên phía bắc. Hạ tuần tháng ấy, trở lại Hà Nam, quyết định đông tiến Sơn Đông thay vì tây tiến Thiểm Tây như dự định. Trong Tự thuật, ông cho biết các tướng lãnh Đông Niệp e ngại Xuyên, Thiểm hiểm trở, không phù hợp với kỵ binh; lại thêm tin đồn Tứ Xuyên có nạn đói, nên phải từ bỏ dự định tây tiến [4].

Đầu tháng 6, Văn Quang đưa quân tiến vào nội địa phủ Tào Châu, Sơn Đông. Ngày 3, được nhân dân Lương Sơn dẫn lối, nghĩa quân từ bến đò Đái Gia Miếu vượt Vận Hà, phá vỡ tường đê, tiến đến Đông Bình, sau đó tấn công Thái An ở phía đông, uy hiếp Tế Nam, nhằm thẳng vào bán đảo Sơn Đông; ngày 30 áp sát Yên Đài. Lúc này, đạo viên [5] Phan Úy kêu gọi quân đội Anh, Pháp bố phòng, lại thêm đội thuyền buôn từ Thiên Tân vượt biển đến giúp, Sơn Đông tuần phủ Đinh Bảo Trinh cũng góp quân. Quân Đông Niệp bị bức phải lui về 1 dải Phúc Sơn, Ninh Hải (nay là Mưu Bình).